Cách làm sữa chua cho bé tại nhà từ sữa đặc và sữa tươi theo công thức chuẩn

Cách làm sữa chua cho bé tại nhà từ sữa đặc và sữa tươi theo công thức chuẩn

Sữa chua là món ăn dặm thơm ngon bổ dưỡng cho các bé yêu. Từ 6 tháng tuổi trở đi bé đã có thể ăn sữa chua hàng ngày. Sữa chua giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, phát triển chiều cao và xương chắc khỏe.

Sau đây, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ hướng dẫn các mẹ cách làm sữa chua cho bé tại nhà để bảo đảm được nguồn nguyên vật liệu tốt nhất, giúp cho ra lò những lọ sữa chua tinh khiết nhất cho bé yêu.

Với cách làm sữa chua cho bé theo công thức này, sữa chua sẽ rất đặc, thơm ngon và khi bạn úp ngược hộp sữa chua cũng không bị đổ ra!

 

Nguyên liệu cần thiết để làm sữa chua cho bé:

– 1 lon sữa đặc
– 1 lon sữa bò nước sôi nóng (lấy lon sữa đặc đong)
– 2 lon sữa tươi (lấy lon sữa đặc để đong)
– 1 – 2 hộp sữa chua cái, sữa chua cái là sữa không đường, có màu trắng. Bạn có thể dùng sữa của hãng nào cũng được.
– Hũ thủy tinh hoặc hộp nhựa để đựng sữa chua.

 

Các bước làm sữa chua cho bé:

Bước 1:

Khui hộp sữa đặc, đổ sữa vào một thố to.

 

Dùng lon sữa bò đã khui, đong một lon đầy nước sôi.

 

Bước 2:

Đổ từ từ nước sôi vào thố có đựng sữa đặc, dùng thìa gỗ lớn khuấy đều để hỗn hợp sữa đặc tan (A).

 

Bước 3:

Dùng lại lon sữa bò đã khui, đong 2 lon sữa tươi.

 

Đổ từ từ sữa tươi vào hỗn hợp (A), khuấy cho tan đều.

 

Bước 4:

Múc hỗn hợp sữa chua cái đổ vào hỗn hợp sữa đặc và sữa tươi ở trên, trộn đều. Nếu sữa chua cái còn đặc, chưa tan hết hẳn, bạn cần dùng cái rây, rây cho sữa chua cái thật mịn. Nếu thích ăn chua nhiều bạn có thể dùng 2 hộp sữa chua cái, còn không bạn dùng 1 hộp sữa chua cái là được.

 

Bước 5:

Đun một nồi nước to để làm nồi ủ sữa chua. Bạn nên lựa nồi dày dày một chút để giữ được nhiệt được lâu. Đun nồi nước đến lúc nào bạn nhìn xuống phía dưới đáy nồi thấy sôi hơi lăn tăn tầm khoảng 80ºC là bạn tắt bếp. Nếu đun nước sôi thì bạn phải đợi nước nguội bớt, nước quá nóng khi ủ sẽ làm sữa chua bị kết tủa.

 

Dùng thìa lớn múc sữa chua vào cốc, nếu không có cốc thủy tinh bạn có thể dùng cốc nhựa để làm sữa chua.

 

Bước 6:

Để từng lọ thủy tinh vào nồi nước nóng đã đun, đậy nắp lọ thủy tinh lại. Nước ủ không nên ngập mặt lọ, chỉ tới 2/3 cổ lọ là được, nếu ngập mặt sẽ làm nước tràn vào lọ, sữa không đông lại được.

 

Phía bên trên nồi đậy một cái khăn rồi đậy kín nắp để nơi thoáng qua đêm hoặc từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ là có thể dùng được. Nếu thời tiết quá lạnh bạn ủ lần thứ nhất tầm 4 tiếng sau rồi đặt nồi ủ lại lên bếp, bật bếp lên đun nồi ủ tầm từ 3 – 4 phút để nồi nóng lại thêm một lần nữa, tắt bếp; ủ tiếp từ 4 – 5 tiếng hoặc ủ qua đêm. Cách ủ 2 lần như vậy sẽ làm sữa chua mau đặc lại. Nếu thời tiết nắng nóng thì không cần ủ 2 lần, vì thời tiết nóng sữa chua rất mau đặc và chua.

 

Hôm sau lấy sữa chua ra cất vào tủ lạnh, sữa chua đặc lại và rất ngon.

Khi dùng hết bạn nên để dành lại 1 lọ sữa chua đã làm để làm sữa chua cái cho lần sau khỏi phải mua sữa chua cái nữa.

 

 

Trời mùa hè nắng nóng, bạn có thể làm sữa chua rồi trộn cùng trái cây ăn rất ngon.

Sữa chua làm đúng cách sẽ rất đặc, bạn úp ngược hộp sữa chua cũng không bị đổ ra.

 

Cho trẻ ăn sữa chua tốt và đúng cách

Quan niệm cho bé ăn càng nhiều sữa chua càng tốt là hoàn toàn sai lầm. Bởi nếu ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự bài tiết các chất dung môi trong dạ dày của bé, làm giảm cảm giác thèm ăn. Đặc biệt nếu thường xuyên ăn quá nhiều sữa chua bé sẽ bị lạnh bụng.

Vì vậy, trẻ em dưới 1 tuổi thì không nên ăn sữa chua. Còn bé trên 1 tuổi chỉ nên ăn 100 – 250g sữa chua là hợp lí (tương đương 1 – 2 hộp).

Sữa chua khi kết hợp với một số loại thực phẩm sẽ mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn như sữa chua ăn kèm dâu tây, bánh mì, bánh bao. Tuy nhiên, nếu kết hợp sữa chua với xúc xích, thịt hun khói, các sản phẩm đông lạnh chế biến từ thịt, thuốc kháng sinh… có thể gây táo bón, các bệnh về dạ dày thậm chí có thể gây tử vong.

Không nên cho trẻ ăn sữa chua khi trẻ đang đói

Khi bụng của bé kêu réo đói cồn cào thì tốt nhất bạn không nên lấy sữa chua chống đói cho bé. Bởi vì khi bụng trống rỗng, độ axit trong dạ dày lớn. Những vi khuẩn có lợi trong sữa chua rất dễ bị axit dạ dày giết chết, và tác dụng bảo vệ sức khoẻ của sữa chua sẽ giảm đi rất nhiều.

Sữa chua ăn tốt nhất vào lúc sau bữa cơm từ 1-2 tiếng, bởi các vi khuẩn có lợi trong sữa chua tồn tại ở điều kiện độ pH lớn hơn hoặc bằng 4,5. Khi đói, độ pH trong dạ dày chỉ bằng 2, do đó nếu ăn sữa chua lúc này thì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua bị tiêu diệt. Sau khi ăn, dạ dày co bóp mạnh, độ pH tăng lên, đó chính là môi trường tuyệt vời để các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt.

Buổi tối ăn sữa chua thì sẽ có nhiều lợi ích hơn

Sữa chua cũng giàu canxi như sữa, nhưng nhờ có chứa acid lactic và giữ lại canxi nên sữa chua tốt hơn hẳn sữa thường về vai trò thúc đẩy sự hấp thụ canxi. Nói chung, sau khi ăn tối khoảng 30 phút đến 2 tiếng là thời điểm ăn sữa chua tốt nhất.

Tuy nhiên, theo các bác sỹ thì để tối đa hóa hiệu quả của canxi trong sữa chua, tốt nhất là ăn sữa chua vào bữa tối trước khi đi ngủ .Bạn có thể cho bé ăn sữa chua vào buổi tối (tốt nhất là trước 20 giờ)

Không cho trẻ ăn sữa chua đã được làm nóng

Không nên làm nóng sữa chua cho bé ăn, bởi vì sau khi làm nóng, vi khuẩn có lợi nhất trong sữa chua bị giết chết.

Hơn nữa khẩu vị và cảm giác đều thay đổi, giá trị dinh dưỡng và chức năng bảo vệ sức khoẻ cũng sẽ giảm thấp. Hãy bảo quản sữa chua trong tủ lạnh khi mua về và sử dụng trong vòng hai tuần lễ. Tốt nhất nên cho bé dùng sữa chua trong vòng một tuần lễ sau khi mua. Sữa chua dùng còn thừa nhớ đậy kín và cất vào tủ lạnh.

Tăng giá trị dinh dưỡng với sữa chua hoa quả

Nếu bạn muốn cho bé thưởng thức một cốc sữa chua hoa quả ngon lành thì hãy tự tay xắt những miếng loại hoa quả tươi dầm cùng sữa chua để tạo nên một cốc sữa chua ngon lành mát bổ. Đừng tưởng sữa chua hoa quả đóng sẵn bên ngoài giàu dinh dưỡng hơn sữa chua thường bởi hoa quả trong đó đã qua bước chế biến khiến giá trị dinh dưỡng bị giảm đi nhiều.

Tải ứng dụng cho điện thoại hoặc máy tính bảng: