Dinh Dưỡng Khi Mang Thai
Dinh Dưỡng Khi Mang Thai
Phụ nữ mang thai bị thiếu hụt dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tạo thành và phát triển của thai nhi
Phụ nữ mang thai bị thiếu hụt dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tạo thành và phát triển của thai nhi. Vì vậy, trước khi muốn có thai, bạn nên khám sức khỏe để phát hiện hoặc điều trị các bệnh lý nếu có; ăn nhiều hơn để cơ thể dự trữ năng lượng.
Thai phụ cần tăng 10kg – 12kg trong chín tháng mang thai thì mới hy vọng có một em bé đủ cân. Ba tháng đầu thai phụ thường bị nghén nên chỉ cần tăng 1kg – 2kg là được, tuy nhiên ba tháng giữa phải tăng được 4kg – 5kg và ba tháng cuối tăng 5kg – 6kg. Nếu cơ thể bạn gầy, cần tăng trọng nhiều hơn, từ 12kg – 18kg. Người thừa cân béo phì chỉ nên tăng khoảng 6kg – 10kg là đủ.
Muốn lên cân, thai phụ cần cung cấp đủ lượng và chất. Đặc biệt là chất bột đường, chất đạm và chất béo, đồng thời không thể thiếu chất xơ, các vitamin và khoáng chất.
Với mức nhu cầu năng lượng tăng thêm 300kcal một ngày, thai phụ cần ăn tăng thêm 1/2 chén cơm (hay chất bột đường khác như bún, phở, hủ tíu, mì, nui, khoai củ…) cho mỗi bữa ăn, hai ly sữa mỗi ngày và ăn thêm một – hai bữa phụ ngoài ba bữa ăn chính với các loại bánh, trái, sữa chua… Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, tôm, cua, trứng, các loại đậu, phômai. Thai phụ cần tăng thêm 15g đạm tương đương 70g – 80g thịt cá mỗi ngày. Chất béo từ dầu, mỡ, bơ, margarin, hạt nhiều dầu như mè, đậu phộng, đậu nành… cung cấp rất nhiều năng lượng và giúp hấp thu tốt các loại vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K). Lưu ý, ăn cá rất tốt cho cả mẹ và thai nhi, nhất là các loại cá biển.
Rau, khoai, củ và trái cây tươi là nguồn cung cấp chất xơ chủ yếu. Thai phụ cần tăng thêm mỗi ngày 300g để phòng chống biến chứng táo bón trong thai kỳ, cung cấp cơ thể nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng. Nhu cầu chất canxi của thai phụ tăng rất cao, gấp hai – ba bình thường (lên đến 1.000mg – 1.500mg canxi/ngày). Mỗi ngày nên dùng hai ly sữa, hai miếng tàu hủ lớn, 100g – 200g cá nhỏ nguyên xương hay tôm tép nguyên vỏ, 50g mè để đảm bảo cung cấp đủ canxi.
Trong lúc mang thai, nhu cầu chất sắt tăng vọt để tạo thêm máu cho mẹ và cho bào thai. Thường thì chế độ ăn sẽ không cung cấp đủ mà phải uống thêm mỗi ngày một viên sắt – folic do bác sĩ chỉ định. Các thực phẩm giàu chất sắt là huyết, gan, trứng, thịt, cá,… nên dùng kèm với các thực phẩm cung cấp vitamin C như rau, trái cây để tăng hiệu quả hấp thu sắt. Cần sử dụng muối iốt thay cho muối thường để cung cấp đủ chất iốt. Chất này rất quan trọng trong quá trình tạo phôi và phát triển thai nhi. Cần biết, các thực phẩm giàu kẽm như gan, hải sản như hàu, sò,… rất cần thiết cho cơ thể mẹ và thai nhi.
Chế độ ăn thiếu vi chất acid folic (vitamin B9) dễ dẫn đến dị tật ống thần kinh, thai vô sọ, tật đốt sống chẻ đôi… Gan động vật, men bia, các loại rau lá xanh (bông cải xanh, măng tây, rau diếp, bầu bí), đậu, ngũ cốc, thịt, sữa, trái cây (chanh, cam, quýt, chuối, dưa) và các chế phẩm từ sữa như yaourt, bánh flan… chứa nhiều acid folic.
Thực phẩm có thể gây hại hoặc không có lợi cho cả mẹ và thai nhi: trà đặc, cà phê, rượu bia, thuốc lá… đều có thể ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thần kinh của thai nhi. Thai phụ nên hạn chế các thức ăn chế biến công nghiệp như thịt hộp, cá hộp, xúc xích… bởi các sản phẩm này chứa chất bảo quản, phẩm màu, lượng muối cao dễ gây cao huyết áp và phù chân. Các thức ăn như bánh ngọt, chè, mứt, nước ngọt… không nên sử dụng nhiều vì cung cấp năng lượng rỗng không kèm các dưỡng chất thiết yếu và có thể làm thai phụ tăng cân quá nhanh. Việc dùng thuốc trong thời gian mang thai cần phải đặc biệt thận trọng vì có thể gây dị tật hay ngộ độc cho thai nhi.