Mách bạn cách làm chả ngũ sắc tuyệt ngon cho mâm cơm Tết
Sự độc đáo của món chả hoa ngũ sắc giúp mâm cỗ Tết thêm đẹp mắt. Cách làm chả ngũ sắc không giống như giò chả thông thường, cùng làm món chả hoa đẹp mắt, thơm ngon này nhé!
Nguyên liệu
Trong mâm cơm Tết của mỗi gia đình, không bao giờ thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả. Với cách làm chả ngũ sắc dưới đây, bạn sẽ góp thêm vào mâm cơm gia đình một món ăn đẹp mắt và hấp dẫn. Ngoài ra, bằng cách làm chả ngũ sắc tại nhà, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm, không phải lo lắng về các hóa chất tẩm ướp như khi mua giò chả ngoài chợ. Chả hoa ngũ sắc thể hiện sự tròn đầy, dung hòa của trời đất, là sự kết hợp hài hòa của ngũ hành, cầu mong một năm mới an lành, đầy đủ rất thích hợp để ăn trong dịp Tết. Để làm món ăn này, bạn hãy chuẩn bị các nguyên liệu sau đây nhé:
- 300gr giò sống, 100gr da heo
- 200gr thịt đầu (tai, mũi, lưỡi)
- 1 củ cà rốt, 5 chiếc nấm tai mèo (mộc nhĩ)
- 5 quả trứng vịt muối, 3 quả trứng gà
- Gia vị: nước mắm ngon, tiêu đen giã dập, đường, muối, bột nêm, vài củ hành tím băm nhỏ
- 1 tàu lá chuối, dây lạt để buộc chả
Cách làm
1. Thịt thủ (tai, mũi lợn) và da lợn mua về chà muối thật sách, rửa với với giấm để khử mùi hôi rồi để ráo nước. Cà rốt rửa sạch, thái sợi dài. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở, cắt bỏ chân rồi rửa sạch, thái sợi như cà rốt. Những nguyên liệu này sẽ giúp chả ngũ sắc có độ giòn và ngon hơn.
2. Lấy lòng đỏ trứng vịt muối ra rửa qua với rượu trắng rồi để riêng. Trứng gà đánh cho tan đều lòng trắng và lòng đỏ, cho xíu muối vào trứng rồi dùng chảo không dính đáy phẳng, chiên trứng thành từng lát mỏng. Tốt nhất, muốn làm chả hoa ngũ sắc để kịp ăn dịp Tết bạn nên làm trứng vịt muối trước, bởi phải muối trứng vịt khoảng 7 - 10 ngày mới dùng được. Bạn có thể tham khảo thêm cách làm trứng vịt muối nữa nhé.
Trứng gà đánh đều rồi tráng thật mỏng
Trứng vịt muối bạn nên làm trước 7 đến 10 ngày để kịp ăn Tết nhé
3. Luộc phần da và thịt đầu trong nước sôi pha với 1 muỗng canh rượu trắng. Khi da heo và thịt chín, nhanh tay cho vào tô nước chín để nguội, sau đó thái sợi nhỏ. Khâu này sẽ giúp bạn gói chả ngũ sắc dễ dàng hơn. Không nên thái thịt quá to như vậy món chả sẽ mất ngon, khi gói chả có thể bị vỡ.
Bắt đầu trộn nguyên liệu để làm chả ngũ sắc. Bạn trộn giò sống, da, thịt thủ với nhau, nêm 1 muỗng canh nước mắm ngon, 1/2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê bột nêm, và tiêu đen giã dập. Chú ý trộn đều tay để hỗn hợp thật nhuyễn, mịn, như vậy khi gói chả hoa sẽ dễ dàng, miếng chả ngũ sắc có độ kết dính cao.
4. Bắc chảo lên bếp, xào hành tím băm nhuyễn, nấm mèo và cà rốt cho chín tái, tắt bếp rồi cho phần thịt và giò đã trộn ở trên vào chảo để xào. Khi xào chú ý đảo đều tay để nguyên liệu làm chả chín đều.
5. Cũng giống như cách làm giò chả thông thường, bạn sử dụng lá chuối để gói chả ngũ sắc. Lá chuối mua về tước thành từng miếng dài khoảng 40-50cm, rửa sạch, lau khô.
Trải 3-4 miếng lá chuối (để mặt lá xanh thẫm ra ngoài cho đẹp), cho trứng chiên lên bên trên lá, múc nhân vào giữa, cho lòng đỏ trứng muối lên trên, tiếp tục cho thêm nhân vào. Rồi cuộn chả chặt tay. Cách gói chả hoa ngũ sắc tương tự như cách gói giò lụa, chả lụa... chú ý gói chắc tay rồi buộc dây lại cố định cây chả.
6. Hấp chả ngũ sắc trong vòng 45 - 60 phút là chả chín, lấy ra, treo lên cho ráo nước. Không nên thả cây chả vào chậu nước lạnh, như vậy nước sẽ tràn vào khiến miếng chả ngũ sắc sẽ bị bở, ăn mất ngon. Bạn nên để chả nguội tự nhiên, sau khi hấp xong chả hoa sẽ căng tròn, cầm chắc tay, rất đẹp mắt.
Thành phẩm
Món chả hoa ngũ sắc cũng là gợi ý hay để các bạn trổ tài vào bếp trong những ngày Tết này. Còn gì hấp dẫn hơn khi trên mâm cơm Tết đĩa chả ngũ sắc được bày biện cẩn thận, đẹp mắt. Khác hẳn với món giò chả truyền thống, khi ăn chả hoa ngũ sắc đầu tiên từ nhụy hoa người dùng sẽ cảm thấy vị bùi bùi của lòng đỏ trứng vịt muối tan trên đầu lưỡi. Rồi đến miếng da heo dai giòn kết hợp mùi thịt chả quết mịn pha với tiêu hột cay nồng như đánh thức khướu giác của những người hảo vị.
Cách làm chả ngũ sắc không giống như cách làm giò chả truyền thống. Nó cần sự khéo léo ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và khâu gói. Muốn chả ngũ sắc đẹp mắt, thể hiện được đầy đủ 5 loại nguyên liệu bạn phải gói cẩn thận, không làm nát chả để lớp nào ra lớp ấy, thể hiện được nét tinh túy của món chả ngon này. Chả ngũ sắc được dùng với cơm nóng, bánh chưng hay ăn với các món truyền thống như dưa hành muối, thịt gà luộc, canh miến đều ngon vô cùng.